Trạng Quỳnh: Đầu to bằng cái bồ

Chuyện kể rằng lúc Quỳnh còn nhỏ, mới bảy tám tuổi, Quỳnh đã tỏ ra thông minh đỉnh ngộ nhưng cũng là một đứa trẻ chúa nghịch. Hồi ấy bọn trẻ thường chơi trò xước xách, lấy tàu chuối làm cờ, lá sen làm lọng. Trong trò chơi, Quỳnh bao giờ cũng lấn lướt.

Một đêm mùa thu, trăng tháng tám sáng vằng vặc, đang chơi với đám trẻ ở sân nhà, Quỳnh bảo:

– Chúng bay làm kiệu cho tao ngồi, rồi tao đưa đi xem một người mà cái đầu to bằng cái bồ!

Lũ trẻ tưởng thật, liền tranh nhau làm kiệu rước Quỳnh đi vòng vòng quanh sân, mệt thở muốn đứt hơi. Xong, chúng nhất định bắt Quỳnh phải giữ lời hứa. Lúc ấy trăng đã mờ, Quỳnh bảo:

– Tụi bây đứng đợi cả ở đây, tôi đi đốt lửa soi cho mà xem!

Bọn trẻ nhỏ hơi sợ, không dám ở lại, chỉ những đứa lớn hơn, bạo dạn đứng chờ. Quỳnh lấy lửa thắp đèn xong đâu đấy, rồi thò đầu che ngọn đèn, bảo:

– Kìa, trông trên vách kìa. Ông to đầu đã ra đấy!

Anh nào cũng nhìn nhớn nhơ nhớn nhác, thấy bóng đầu Quỳnh ở vách to bằng cái bồ thật. Lũ trẻ biết Quỳnh xỏ, quay ra bắt Quỳnh làm kiệu đền, Quỳnh chạy vào buồng đóng cửa lại, kêu ầm lên. Ông bố tưởng là trẻ đánh, cầm roi chạy ra, lũ trẻ chạy tán loạn.

Trạng Quỳnh: Đất nứt con bọ hung

Từ thuở bé, ngoài tính nghịch ngợm, hiếu động, Quỳnh còn tỏ ra thông minh xuất chúng khi học rất giỏi và đối đáp hay, nhất là khi ứng khẩu.

Trong làng cậu bé Quỳnh có một người hay chữ nhưng tính tình kiêu ngạo, đi đâu cũng khoe khoang, tên gọi là ông Tú Cát. Tất nhiên, từ nhỏ Quỳnh đã ghét những người có bản tính như vậy. Một hôm, Quỳnh đang đứng xem đàn lợn ăn cám thì Tú Cát đi qua. Đã được nghe người ta đồn đãi về thần đồng này, Tú Cát không ưa gì Quỳnh, ông ta ra vẻ kẻ cả gọi Quỳnh đến bảo:

– Ta nghe thiên hạ đồn mày là đứa thông minh, ứng đáp rất giỏi. Bây giờ ta ra cho mày một vế đối, nếu mà không đối được thì sẽ biết tay. Nhất định ta sẽ đánh đòn cho chừa các tật láo, nghe chưa!

Nói xong, không đợi Quỳnh thưa lại, Tú Cát liền gật gù đọc:

– “Lợn cấn ăn cám tốn.”

Đây là một câu đối rất hắc búa bởi “Cấn” và “Cám” vừa chỉ lợn và thức ăn của lợn, lại vừa là hai quẻ trong kinh Dịch, người có học nhiều còn thấy khó. Thế nhưng, không nao núng, Quỳnh đọc lại ngay:

– “Chó khônss chớ cắn càn.”

Quả là một vế đối vừa chỉnh vừa có ý xỏ xiên. “Khôn” và “Càn” cũng là hai quẻ trong kinh Dịch, Quỳnh lại còn ngầm ý chưởi Tú Cát là đừng có mà rắc rối. Bị thằng nhỏ hơn mình chơi lại một đòn đau, Tú Cát tức lắm, hầm hầm bảo:

– Được để coi mầy còn thông minh đến cỡ nào. Tao còn một vế nữa, phải đối ngay thì tao phục!

Nói xong Tú Cát đọc ngay:

– “Trời sinh ông Tú Cát!”

Vế vừa ra mang tính cách ngạo nghễ, phách lối. Nào ngờ, Quỳnh chỉ ngay xuống đất, dưới lớp phân heo đùn lên những ụ nhỏ mà đáp:

– “Đất nứt con bọ hung!”

Đến nước này thì dù tức đến hộc máu mồm, Tú Cát cũng đành cút thẳng.

Trạng Quỳnh: Dê đực chửa

Tiếng tăm về một thần đồng nhanh chóng được truyền tụng khắp nơi, ngày càng lan rộng và đến tận kinh đô. Nhà vua muốn biết hư thực ra sao, nhưng là người chuộng nhân tài, sau khi suy nghĩ, vua bèn ban lệnh: Cả phủ Thanh Hóa, mỗi làng phải đem nộp một con dê đực đang chửa. Sau hai tháng, nếu làng nào không có sẽ bị trị tội. Cái lệnh chéo ngoe ấy tất nhiên làm dân chúng phủ Thanh Hóa shốt hoảng sợ hãi. Cả làng Quỳnh ở, ai cũng nhớn nhác lo âu. Tìm đâu ra dê đực chửa? Mà từ xưa đến giờ đã nghe ai nói cái chuyện lạ lùng ấy đâu! Thế nhưng, khi biết chuyện đó, Quỳnh nói với bố:

– Chuyện gì chớ chuyện này xin bố đừng lo. Bố cứ bảo dân làng chuẩn bị cho con một trăm quan tiền và gạo ăn đường, con sẽ kiếm được dê đực chửa cho làng. Nghe Quỳnh nói vậy, ông bố không tin, nhưng cũng thưa lại vơi dân làng. Người tin kẻ nghi nhưng không còn có cách nào khác, mọi người đành làm theo yêu cầu của Quỳnh. Sáng hôm sau, hai cha con Quỳnh lên đường. Họ đến kinh đô khi nhà vua có việc đi qua cửa Đông. Quỳnh nép xuống cống sát vệ đường chờ. Khi xa giá nhà vua đến gần, Quỳnh khóc rống lên. Nghe tiếng khóc có vẻ lạ, vua sai lính lôi đứa trẻ đang khóc lên hỏi nguyên do. Quỳnh vờ như không biết đấy là vua, càng gào to, kể lể:

– Mẹ tôi đã chết mấy năm nay, tôi nói mãi mà bố tôi không chịu đẻ em bé cho tôi bế…

Vua nghe nói câu ấy, bật cười bảo rằng:

– Ôi chao quả là một thằng bé đần độn. Ba mày là đàn ông mà đẻ làm sao được?

Chỉ đợi cho vua nói vậy, Quỳnh liền nín ngay, rồi đứng chắp hai tay lại, nói thật trang nghiêm:

– Thưa ông, vậy mà nhà vua bắt dân làng tôi phải nộp dê đực chửa!

Nghe nói vậy, nhà vua giật mình, biết ngay đây là đứa bé thần đồng mà bấy lâu mình vẫn nghe đồn.

Trạng Quỳnh: Đơn xin chôn trâu

Một cô gái ở thôn Hoằng Trì có con trâu chết đã ba ngày, trâu trương lên thối um mà bọn chức dịch trong làng vẫn cứ làm khó dễ, chưa cho chôn. Cô đợi mãi không được, bèn mang đơn lên trình quan huyện.

Trên đường đi, đến một chỗ lầy lội, cô gặp một anh chàng ra dáng học trò. Anh kia hỏi thăm biết chuyện, mượn cô lá đơn xem lỡ tay đánh rơi xuống bùn. Cô gái bắt đền. Anh học trò liền đem giấy bút ra, thảo ngay tờ đơn khác cho cô. Đơn rằng:

Ta là gái goá kẻ trị
Nếu trâu không chết việc chi lụy đời?
Lội đồng váy hếch đơn rơi,
Ta phải cậy người mần lại đơn nị
Quan tri ơi hỡi quan tri!
Xác trâu chết để ba ngày thối hoăng
Xét đơn phải xử công bằng
Không thì bút… cho thằng mần đơn.

Anh kia viết xong, cô gái thật thà cầm đơn vào trình quan. Xem xét chữ nghĩa và lời lẽ, viên tri huyện nghi hoặc, hỏi cô gái ai là người cô đã nhờ viết đơn. Cô gái kể rõ mọi chuyện chuyện đã xẩy ra trên đường. Tri huyện lặng người, biết ngay kẻ đó là Trạng Quỳnh chứ không ai khác. Tuy tức vì bị chửi xỏ, quan cũng đành chấp thuận cho cô gái kia được về chôn trâu mà không phải nộp phạt.

Trạng Quỳnh: Mẹo trẩy kinh

Mùa đông năm ấy, Quỳnh có việc đi gặp người bà con đang sinh sống ở Thăng Long. Đường về kinh thì xa, cuốc bộ phải mất cả tuần, mà Quỳnh vẻn vẹn có một quan tiền giắt lưng. Mới ngày thứ ba túi đã hết nhẵn tiền, chiều xuống, trời âm u, lại điểm mưa lâm thâm, gió bấc. Đến đầu làng kia, bụng đói cồn cào, vừa may gặp một đứa bé mục đồng dắt trâu về xóm, Quỳnh mừng rỡ hỏi thăm lối vào nhà ấp trưởng.

Ấp trưởng làng này vừa giàu sụ, vừa nổi tiếng quỷ quyệt. Qua vài lời chuyện trò với người lỡ độ đường, hắn đoán thầm khách không phải là hạng tầm thường, bèn vồn vã mời nghỉ lại và sai giai nhân làm mâm cơm thịnh soạn để thết đãi. Nhưng mấy ngày liền, khách cứ đi đi lại lại, rồi đến bữa nằm dài đợi cơm rượu hỏi đến chức danh công vụ thì cứ ậm ậm ờ ờ. Chủ nhà sốt ruột, sinh nghi. Như thường lệ, tối hôm ấy ăn xong một lúc, Quỳnh cáo lui về phòng riêng giáp với phòng ngủ của chủ nhân. Được một chập, Quỳnh tắt đèn lên giường nằm. Biết ở phòng bên có người vẫn thức rình mò mọi hành vi của mình, lát sau Quỳnh vờ thức dậy rón rén thắp đèn, sau đó cẩn thận lần dưới vạt áo, lấy ra một bọc nho nhỏ bên trong có ba gói vuông, bản bằng nhau. Khách cầm bút long chấm chấm, mút mút đầu ngòi, hí hoái viết vào từng gói như để đánh dấu cho khỏi nhầm lẫn (thực ra chẳng viết gì cả), miệng lẩm nhẩm đọc, cố ý cho kẻ đang rình bên kia khe vách vừa đủ lắng nghe: Độc dược của nhà chúa… Độc dược của bà chính cung… Độc dược của thái tử. Làm như vậy, đoạn Quỳnh đem gói chung thành một bọc như cũ, giắt vào lưng áo. Xong rồi tắt đèn, lên giường nằm trở lại. Khi phòng bên này bắt đầu tiếng ngáy đều đều, thì phòng bên vọng sang tiếng động khe khẽ. Tên ấp trưởng bí mật mở chốt cửa ra ngoài, lẻn đến chuồng ngựa… Hộc tốc lao đi trong đêm.

Sáng hôm sau, mới hửng sáng, quan quân từ đâu ập tới nhà ấp trưởng đông nghịt, gươm giáo tua tủa vây kín mọi phía. Quỳnh mở mắt, chưa kịp búi tóc đã bị trói nghiền lại, quẵng lên một chiếc xe có bốn ngựa kéo, trẩy về kinh.

Trước phủ chúa, Quỳnh bị điệu ra xét xử với nhân chứng và vật chứng rành rành. Chúa đích thân tự tay mở tang vật. Té ra chẳng có gì ghê gớm! Chiếc bọc được gói kỹ lưỡng trong mấy lần mo cau, phủ ngoài bằng một vuông vải điều là chiếc bọc chứa ở bên trong mấy gói cơm khô nhỏ, Chúa lấy mũi hài đá té nắm cơm về phía Quỳnh, hất hàm tỏ vẻ khinh miệt:

– Ta tưởng thế nào… Tài giỏi như Trạng mà cũng ăn cả cái vứt đi này à?

– Khải chúa.

– Quỳnh đáp lại không chút ngần ngừ, nhà chúa thừa thãi mới gọi đó là của vứt đi. Còn thần dân bên dưới đâu dám phung phí một hạt, họ gọi cơm gạo là ngọc thực.

Nói rồi, Quỳnh trân trọng nhặt lấy mấy hạt cơm khô bỏ vào mồm nhai rào rạo. Chúa biết mình lở lời, đỏ bừng mặt, lại thêm một phen mắc lỡm, tức lộn ruột. Không có cớ gì buộc tội Quỳnh, chúa truyền nọc tên ấp trưởng ra, bắt lính đánh ba chục trượng vì tội nói láo và báo sai.

Trước cảnh tượng ấy, Trạng chỉ biết mỉm cười. Mặc dầu đã được tha bổng, trước khi bái biệt bề trên, Quỳnh vẫn không quên giễu chúa bằng những câu khéo:

– Xin chúa rộng lượng tha thứ cho ấp trưởng. Và cho thần được cảm ơn hắn cùng quan quân triều đình.