Sếp tôi phụ trách cơ quan tài chính, quyền sinh quyền sát nên đặc biệt vào những ngày Tết,
Sếp tôi phụ trách cơ quan tài chính, quyền sinh quyền sát nên đặc biệt vào những ngày Tết, khách khứa đến nhà quà cáp, phong bao rất đông. Để triệt để tiết kiệm thời gian và tiền bạc, sếp thuê chuyên gia nuôi chó đến huấn luyện cho con Dog (chó Việt nhưng tên tiếng Anh), to như con nghé, biết phân biệt được khách đến nhà thuộc loại nào.
Sau 1 tháng huấn luyện, Dog thuộc loại chó thông minh, nên đã hoàn thành khoá học thuộc loại ưu. Ngay từ đầu tháng chạp, sếp bàn với vợ: – Nếu khách đi xe máy loại thường, phong bao chỉ là tiền Việt, Dog sẽ chạy vào báo bằng cách vẫy đuôi 1 cái, khi ấy bà ra tiếp, chỉ mời bia lon Hà Nội thôi. Còn khách đi xe hơi đến là khách loại sang, phong bao bằng đôla, Dog sẽ vẫy đuôi rối rít, khi ấy tôi sẽ đích thân ra tiếp và rót rượu ngoại mời khách.
Quả nhiên những hôm đầu, Dog hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Nhưng càng sát đến ngày Tết thì khách đến càng đông, mà toàn những khách sang, Dog vẫy nhiều quá mỏi nhừ cả đuôi. Đến tận sẩm tối ngày 30 Tết, Dog rã rời nên không vẫy đuôi được nữa. Vì vậy, khi thấy cổng hé mở, Dog chạy ra rồi chạy vào, không vẫy đuôi, vợ chồng sếp đoán rằng mấy thằng cháu họ ở quê lên xin tiền ăn Tết, nên sai thằng con ra đuổi về.
Thằng con sếp vốn cậy bố quyền chức, giàu có, ăn chơi bạt mạng, nên rất hống hách.
Vừa trông thấy khách ăn mặc giản dị, nó đã hất hàm: – Ở quê lên xin tiền hả?
– Không, tiện đi qua đây, tôi ghé thăm nhà cậu – Khách đáp.
Con sếp xẵng giọng: – Bố tôi không có nhà, cứ để lại phong bao, ghi tên vào, tôi sẽ đưa hộ cho.
– Đến thăm nhau mà cũng phải phong bao sao?
– Ông quê quá! Ngày thường, khách đến nhà tôi cũng phải mang theo phong bao, huống chi hôm nay là ngày Tết. Nếu không có phong bao thì ông về đi! Ông khách không nói gì, chỉ nhếch mép cười, rồi đứng dậy ra về.
Sếp ra hỏi con khách nào, thằng con tả lại hình dáng khách, sếp kinh hãi chạy bổ ra ngoài cổng, vừa lúc chiếc xe hơi lăn bánh. Sếp tôi chạy theo gào lên: – Thủ trưởng ơi… ơi… ơi…!